Quán giản dị, tên cũng chỉ vỏn vẹn 2 từ: "Cơm Bắc".
Bố tôi rất thích ăn cơm bắc, một loại cơm và đồ ăn kèm nước chấm đặc trưng ngoài Hà Nội. Quán Hà Nội, ở Sài Gòn, nên có những điều khác lạ và gần gũi, khiến cho người thành thị cũng không khỏi ấm lòng. Ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ được phục vụ tận bàn, được người chủ hay phụ quán quan tâm đến từng cái muỗng, chiếc thìa. "Cơm Bắc" như tấm hình hoàn toàn đối lập với những gì người miền Nam vẫn hay nói với nhau mỗi khi đi từ Hà Nội về: quán chửi dữ lắm, muốn gì thì tự đi lấy, không dám hó hé xin thêm rau hay nước chấm vì sợ ăn thêm những lời to tiếng, đừng hòng được hỏi han có cần gì hay không. Vì ở đó vốn dĩ người ăn cần người bán, không mày nơi này vẫn đông. Ở miền nam, người nam vốn xem khách như những người bạn. Bạn có lòng ghé ăn, sợ bạn thiếu miếng chanh, vắng miếng ớt, khát không có nước, dơ không có khăn, nên ngồi vào bàn thì tự động cả đống thứ đó ập vào mặt.

"Cơm Bắc" cũng thế. Chủ quán là người bắc, gần chục người phụ quán cũng là người bắc. Mình ghé vào có chú dắt xe. Đến xem đồ ăn có cô hỏi "con muốn chọn món gì". Vào chỗ ngồi cô chủ quán lật đật cản lại, khoan con ơi để cô lau cái bàn cho sạch. Quán sạch sẽ, đồ ăn vị ngon lẫn hương thơm gạo. Một phần ăn kèm một tô canh (chứ không phải một chén canh) đầy ắp rau và nước. Cơm luôn có hai món ăn phụ, gồm một ít rau luộc, một ít cải chua. Giữa dĩa cơm sẽ là món ăn chính. Đồng thời, nước chấm mặc định là nước mắm mặn. Khách có thể chọn thêm một món ăn chơi kèm cơm như một chén nhỏ cà pháo, cải chua thêm hoặc một ít rau sống. Ăn xong có sẵn ca trà đá đặt góc bàn, hộp khăn giấy sát bên. Một dĩa trái cây bày sẵn, ai ăn thì lấy đúng một phần, có hôm là chuối, có hôm là lát thanh long. Tất cả những thứ dễ thương đó, chỉ có 30 ngàn. Thấy mình có vẻ mặt sinh viên, người ốm ốm, cô chủ bảo: "Đưa dĩa đây cô lấy thêm thịt luộc cho, ăn nhiều cho mập vào, nhìn mày ốm nhom". Thế là người phụ nữ đó bưng cái dĩa lên tỉnh rụi, đi ung dung ra phía quầy đúng kiểu bất cần đời của người Hà Nội khi tham gia giao thông, quăng vào đó mấy miếng thịt luộc to đùng mà không cần biết mình có muốn ăn thêm hay không.

Chắc muốn cưu mang thêm đồng hương miền ngoài vào miền trong kiếm sống, nên cô chủ chỉ thuê người bắc vào phụ quán. Hôm nay, mình ngồi ăn chung với mấy cô chú anh chị bưng bê. Có cô mới vào đây vài ngày để mưu sinh, được bà chủ gọi vào làm. Mình vừa húp tô canh ngon lành, phía đối diện vừa nhỏ to câu chuyện chỗ mua mấy cái móc đồ, chỗ sắm thêm vài bộ quần áo sida rẻ tiền, kiếm đâu ra cái gối chiếc chăn cho giấc ngủ thêm yên. Lấy đồ ăn bày trên bàn vào tô, ông chú vội đứng dậy vì có khách vào quán, bà chị đến quầy làm cơm vì có người mua về. Chỉ còn mỗi cô vừa mới lên đây, cầm cái tô rồi quay về phía ngoài đường: "có chỗ nào bán búp bê không, xài rồi cũng được, tao mua gửi về quê".
Vào Sài Gòn, mấy tâm hồn vốn khô cằn, giọng điệu chói tai cũng dần hòa nhập với văn hóa nơi đây.
Khách Sài Gòn ghé quán, như bạn ghé chơi...
(676 từ).

p.s: Quán tên Cơm Bắc, số 52 đường A4, khu K300, P.12, Q.Tân Bình, Sài Gòn.

-------------------
LADY in LINE là series tản văn kết hợp artworks tự vẽ tay của Kiếm. Đây là format truyện dài, không còn giới hạn 50 từ so với phiên bản gốc. Artwork vẽ đen trắng giản đơn, và đều là những người phụ nữ Kiếm gặp ngoài đời.
Toàn bộ bản quyền bài viết và hình ảnh đều thuộc luuhoangkiem.com (Lu là tên ở dạng chó của Kiếm).

0 nhận xét: